Dạy con nói tiếng Việt ở nước ngoài

(Đây là 1 chặng đường rất dài, có thể dài đến 18-20 năm nên những gì tôi chia sẻ ở đây chỉ là xuất phát điểm & kinh nghiệm của tôi cho đến thời điểm này)
Mặc dù chồng tôi không biết nói tiếng Việt (V), ngay từ khi chưa có con, chúng tôi đã mong con chúng tôi sau này sẽ nói được tiếng V. Khi chuẩn bị có con, tôi đã đọc rất nhiều kết quả nghiên cứu và tham khảo mọi người xung quanh (môi trường làm việc của tôi có tính quốc tế rất cao, 80% đồng nghiệp của tôi không phải là người Hà Lan (HL)), tôi lại càng chắc chắn là tôi sẽ làm tất cả để dạy con tôi nói tiếng V. Mục tiêu của tôi chỉ dừng lại ở mức nghe nói thôi, chứ tôi không yêu cầu đọc viết.
Lợi ích của việc nuôi con bằng 2 (hay thậm chí 3, tối đa là 6) ngôn ngữ thì chắc là tôi không cần phải liệt kê ra. Có điều, tôi chủ tâm chọn tiếng V chứ không phải tiếng Anh (A). Mặc dù nếu dùng tiếng A thì sẽ dễ dàng hơn:
-      Cả 2 vợ chồng đều giao tiếp được bằng tiếng A (môi trường làm việc của tôi, như đã nói, tính quốc tế cao, nên tôi sử dụng tiếng Anh hằng ngày. Còn chồng tôi, như mọi người HL khác, nói tiếng A khá tốt và thậm chí, hơn nhiều người HL khác, chồng tôi không nói tiếng Anh bằng giọng HL)
-      Sách truyện, đồ chơi, phim ảnh tiếng A thì dễ tìm vô cùng
-      Điều kiện thực hành nhiều
-      Tính ứng dụng cao (cái này hiển nhiên).
Nhưng tôi vẫn chọn tiếng V vì:
-      Tiếng A không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi, tôi phát âm không chuẩn, tôi không nói hay dùng từ như người bản xứ nên mặc dù câu tôi nói đúng ngữ pháp, rõ nghĩa, mọi người vẫn nhận ra là tôi chưa từng sống ở nơi nào nói tiếng A. Tôi không muốn con tôi sau này nói tiếng Anh có lỗi như tôi (mặc dù giao tiếp thông thường và làm việc chuyên môn thì chẳng có vấn đề gì)
-      Sau này trong trường thế nào các cháu cũng được học tiếng A
-      Quan trọng nhất là tôi muốn khi các cháu về VN, các cháu có thể nghe hiểu mọi người (nhất là ông bà ngoại) nói gì & có thể giao tiếp thông thường. Đó là 1 trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo mối dây liên hệ giữa các cháu và VN. Nếu sau này các cháu muốn tìm hiểu thêm về quê mẹ thì ít ra cái cơ bản nhất là ngôn ngữ, các cháu đã có căn bản.
Khó khăn:
-      Mẹ là người duy nhất nói tiếng V
-      Tiếng V và tiếng HL khác hẳn nhau.
Tôi đã (đang và sẽ) làm như thế nào:
-      Tôi LUÔN LUÔN nói chuyện với con bằng tiếng V. Ngay cả khi cháu nói với tôi bằng tiếng HL
-      Trong cuộc nói chuyện có người khác, ví dụ như ba cháu, hay ông bà nội, tôi nói với cháu bằng tiếng HL trước, sau đó nói lại 1 lần nữa bằng tiếng V
-      Bên cạnh đó, ba cháu hay khuyến khích cháu nói tiếng V bằng cách nhờ cháu dịch lại những gì mẹ nói hay hỏi cháu cách nói câu này câu kia bằng tiếng V thế nào. Cháu rất thích cái viễn cảnh là “sau này về VN, con sẽ làm phiên dịch cho ba nhé” – bằng cách này chúng tôi tạo cho cháu niềm vui & giúp cháu có động lực nói tiếng V
Kết quả trước mắt:
-      NL có thể hiểu hầu hết những gì tôi nói. Cách đây khoảng 1 năm cháu hiểu toàn bộ những gì tôi nói không cần tôi phải giải thích gì cả. Nhưng hiện giờ thỉnh thoảng cháu phải hỏi “mẹ nói gì?” hay hỏi tôi từ đó nghĩa là gì. Lý do: những cuộc nói chuyện của chúng tôi càng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Ngay cả trong tiếng HL, cháu thỉnh thoảng vẫn phải hỏi “từ đó nghĩa là gì” chứ không riêng gì tiếng V
-      Gọi điện về VN cháu có thể hỏi thăm ông bà “bà/ông ngoại có khỏe không?” hay “P (em họ cháu) đang làm gì đó?”. Có thể trả lời câu hỏi đơn giản của ông bà.
-      Càng ngày càng chịu khó nói tiếng V với mẹ hơn, mặc dù biết là mẹ hiểu tiếng HL nhưng vì “mẹ thích NL nói tiếng V với mẹ hơn” nên con chịu khó hơn.
-      Khi ở nhà 3 mẹ con với nhau, NL cũng nói tiếng  V với em AN
-      Thậm chí NL còn dạy ông bà nội một số từ tiếng V thông dụng, trong đó có từ “nước cam” – từ này đã thay thế từ “sinaasappelsap” trong gia đình ông bà nội :D
-      Tiếng HL của NL hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì, thậm chí cháu còn được cô ở trường khen là nói tốt. Tiếng V thì hơi lơ lớ (theo kiểu người nước ngoài nói tiếng V) vì cháu nói dấu không rõ như tôi nói nhưng mọi người nghe vẫn hiểu được dễ dàng.
Tôi luôn nhận được sự khen ngợi & khuyến khích từ mọi người khi biết tôi quyết tâm dạy cháu nói tiếng Việt nên tôi lại càng cảm thấy có động lực hơn. Ngoài ra, cảm xúc nghe con gọi “mẹ ơi” khác hẳn khi con gọi “mama” :D

4 nhận xét:

  1. Hay thật!
    MÀ chị có quen cộng đồng người Việt nào ở HL ko? (em thấy nguòi Việt ở HL cũng nhiều.
    Có 1 điều em phải công nhận người HL rất rất giỏi ngoại ngữ, em đi HL 2 tuần, chưa bao giờ gặp ai ko biết nói tiếng Anh, phục sát đất! ;)

    Trả lờiXóa
  2. Chị ở vùng sâu vùng xa nên không có điều kiện giao tiếp với các cộng đồng người V ở HL (theo chị biết thì có khoảng 10K người, nhưng đó là Việt kiều, chứ kể luôn cả SV - tăng hàng năm - thì chắc là hơn con số đó rất nhiều).
    Người HL rất thích nói tiếng A, nhiều khi mình hỏi họ bằng tiếng HL, họ trả lời lại bằng tiếng A :D.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh08:03 24/1/13

      hi chi,
      Chi cho em hoi khi con moi bat dau tap noi thi chi day con noi tieng V hay tieng HL?
      Con em hai tuoi roi ma noi duoc rat it tieng V, nghe thi hieu het vi ca nha deu noi tieng V. Luc 1 tuoi thi con em o Phap, gio 2 tuoi thi o Uc :( em khong biet phai nen tap con noi tieng gi nua.
      Thanks chi!

      Xóa
    2. Hi, chị Phương ở HL đang bận nên mình xin trả lời thay nha! (mình ở Ý, và gia đình bên nội là Ý, có mỗi mình là việt như trường hợp chị Phương).
      Theo mình biết, chị Phương luôn luôn nói tiếng Việt với bé từ nhỏ đến lớn, và bố/nhà nội thì nói tiếng Hà Lan. nên bé từ khi sinh ra đã nghe 2 thứ tiếng. (như bé nhà mình là tiếng Anh và tiếng Ý, tiếng Việt thì 1, 2 từ thôi).
      Theo mình đọc được thì việc dạy cho bé 2, 3 ngôn ngữ cần có yếu tố:
      Ngôn ngữ thứ 2 (nghĩa là ko phải ngôn ngữ nước sở tại), phải chiếm ít nhất 30% trong tổng thời gian thức của bé và là hàng ngày, nghĩa là nếu trong 24h, bé thức 13 tiếng đồng hồ thì bé phải tiếp xúc với ngôn ngữ kia ít nhất 4 tiếng đồng hồ. Do đó có nhiều ý kiến cho rằng bố mẹ nên chọn 1 ngôn ngữ và chỉ nói ngôn ngữ đó để đảm bảo số giờ bé tiếp xúc với ngôn ngữ hiệu quả hơn, và bé ít bị nhầm, và dễ trả lời hơn (ví như mẹ nói tiếng Anh thì chỉ trả lời tiếng anh, nếu mẹ nói 2, 3 thứ tiếng thì có lẽ bé hiểu, nhưng chỉ trả lời tiếng bản xứ-được cho là ngôn ngữ thứ 1- tiếng mẹ đẻ).
      Trong trường hợp của bạn, mình ko rõ bạn có ý định dạy con nói tiến gPha1p hay Anh?? nếu ý bạn là muốn cho bé nói 3 ngôn ngữ Anh, Pháp và Việt thì tốt nhất mẹ nói việt, bố nói Pháp. khi đi học bé sẽ tự động học thêm tiếng Anh, ko có vấn đề gì lớn lao hay khó khan đối với bé cả.
      Theo kinh nghiệm của mình thì bé 2 tuổi rưỡi nói in ít cũng khá bình thường, vì có nhiều bé 2, 3 ngôn ngữ bắt đầu nói ở tháng 25, 26. dạy con nói là 1 quá trình cần sự nhẫn nại và dài hơi. bạn đừng bỏ cuộc. ;)
      Con gái mình 18 tháng rưỡi, chỉ mới bắt đầu bập bẹ lập từ nhưng hiểu thì hiểu rất tốt cả Anh lẫn Ý và lặp lại cả 2 thứ tiếng Anh và Ý. (tiếng việt thì từ nào mình nói nhiều, nó đều hiểu, và lặp lại, như: bà ngoại, cậu, thúi quá, cơm, ăn cơm, ...).

      Xóa